Tọa đàm thiết kế công cộng “Hanoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet”

Tọa đàm thiết kế công cộng “Hanoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet”

Vừa qua, tại Trung tâm giao lưu văn hoá Phố cổ, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm về thiết kế công cộng: “Hanoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet”. Nằm trong khuôn khổ Vietnam Design Week 2022 (VNDW), đồng thời cũng là một đề bài của cuộc thi Designed by Vietnam, nhằm tìm kiếm các ý tưởng thiết kế khả thi cho không gian công cộng của Hà Nội.

Hanoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet

Tọa đàm do UBND Quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Tổ chức Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (do Vietnam Design Group và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện) phối hợp tổ chức.

Với nội dung xoay quanh thực tế Thiết kế Công cộng tại Hà Nội và trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm, kinh nghiệm quốc tế và Trao đổi về đề bài “Hanoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet”, Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ, sinh viên các trường đại học, những người đã và đang tham gia các dự án thiết kế công cộng ở Hà Nội và yêu Hà Nội.

Điều thú vị ở tọa đàm lần này là các khách mời đã được nghe những chia sẻ thực tế từ những người hoạt động trong lĩnh vực quản lý đô thị và một số nhóm thiết kế không gian công cộng tại Hà Nội, các diễn giả và khách mời cũng cùng thảo luận về vai trò quan trọng của không gian công cộng trong đời sống của người dân khi tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Theo ông Lê Việt Hà, Chủ tịch Vietnam Design Group, đồng Trưởng ban tổ chức Tuần lễ thiết kế Việt Nam, “Hanoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet” cũng là đề bài của Cuộc thi “Designed by Vietnam” trong khuôn khổ của tuần lễ nhằm tìm kiếm các ý tưởng thiết kế khả thi cho không gian công cộng của Hà Nội.

Ban tổ chức mong muốn đó là những ý tưởng thiết kế, làm đẹp, chỉnh trang cho mỗi góc phố, đoạn vỉa hè, thậm chí là chiếc ghế đá trong công viên, những thùng rác công cộng hay những vật dụng nhỏ bé khác của Hà Nội… để cùng nhau tạo nên chiến dịch làm đẹp Hà Nội từ từng centimet.

Hanoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet
TS.KTS Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội

Tham dự tọa đàm, TS.KTS Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã đưa ra nhận định: “Với một đô thị đa chức năng như Hà Nội, nhu cầu về không gian công cộng của quận rất lớn“.

Ông cũng chia sẻ thêm về thực tế phát triển các không gian công cộng tại khu vực quận Hoàn Kiếm: “Phố cổ Hà Nội hoàn toàn khác các đô thị khác như Huế, Hội An nên trong nhiều năm, phố cổ Hà Nội gặp khó khăn trong việc bảo tồn và tìm nguồn lực để bảo tồn”. Ông diễn giải thêm, quản lý đất đai và sở hữu các vùng khác không phức tạp như ở đây. Điều đó dẫn đến nhiều khó khăn và vướng mắc trong vấn đề bảo tồn. Chưa kể, ở quận Hoàn Kiếm, các thiết chế đô thị (nhà hát, bảo tàng, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm, trường học…) gần như đã hoàn thiện, nên việc giãn dân rất khó.

“Vì thế, chúng tôi quyết định tập trung cải tạo không gian công cộng và nâng cấp thiết chế văn hóa”, ông Long kể về “nguồn cơn” hình thành không gian phố đi bộ cho Hà Nội.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc nghệ thuật tại Heritage Space, cố vấn thiết kế công cộng của VNDW cũng chia sẻ một số giải pháp thiết kế bền vững và phi bền vững. Theo ông, giải pháp xanh đang trở thành xu hướng cho thiết kế không gian công cộng. Đó có thể là giải pháp nhằm cải tạo một không gian lớn để mọi người có những hoạt động ngoài trời, ngăn chặn – giảm thiểu xả rác hoặc thu gom đồ tái chế ở nơi công cộng hoặc cải tạo/thay đổi/xây mới một công trình, một nơi chốn bị bỏ hoang thành một nơi hữu ích cho nhiều người và mang tính sinh thái nhất hay những ý tưởng “vô hình” tại nơi công cộng, mang lại sự thư thái cho mọi người và ít/không tạo ra chất thải hay tiêu tốn năng lượng.

TS.KTS Tô Kiên – Chuyên gia cao cấp quy hoạch đô thị, Tập đoàn EJEC (Nhật Bản) cũng đánh giá, cộng đồng mới chính là người sáng tạo nhất trong việc thiết kế không gian công cộng. Ông nhấn mạnh việc thiết kế không gian công cộng phải phù hợp với người Á Đông. Chẳng hạn như không gian rất mở, tính cộng đồng rất cao (gốc văn hóa làng xã…), ranh giới mờ giữa riêng – chung, công – tư (vỉa hè, hành lang, sân giữa…),…

Cùng với các đánh giá, nhận xét từ các chuyên gia, các Nhóm nghệ thuật công cộng CUNGDINH, Nhóm ThinkPlaygrounds cũng chia sẻ vềcác dự án thiết kế công cộng mà các nhóm đã thực hiện.

TS. Trần Hậu Yên Thế – nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật – bày tỏ: “Hà Nội bây giờ đang xấu từng kilomet, nên sẽ phải làm đẹp lại từng centimet”. TS Trần Hậu Yên Thế đang phối hợp với Nhóm nghệ thuật công cộng CUNGDINH thiết kế một cây cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật.

Trước đó, nhân ngày mất của nghệ sĩ Diego Cortizas, anh và nhóm nghệ sĩ Phúc Tân cũng đã làm tác phẩm Con đường Chula để tưởng nhớ một người bạn đã cống hiến và đóng góp cho dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, cũng như đóng góp cho sự giàu có của văn hóa sáng tạo Hà Nội và Việt Nam suốt gần 20 năm.

Cũng từ hoạt động thực tiễn, nhóm Think Playground cho rằng, các thiết kế công cộng cần coi cộng đồng là “chuyên gia”. Sáng kiến đi cùng hành động, giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, các dự án cũng cần quan tâm tới khái niệm “low carbon”, tức là quan tâm đến các hoạt động của con người bền vững với thiên nhiên. Đồng thời quan tâm tới các nhóm yếu thế trong đô thị: trẻ em, người khuyết tật, người bán hàng rong, đồng nát.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Banner chạy dọc bên trái
Banner chạy dọc bên phải